ĐỊNH LƯỢNG ALPHA 1 ANTITRYPSIN
Alpha-1 antitrypsin, còn được gọi là AAT, là một protein do gan sản xuất, lưu thông trong máu. Nó giúp bảo vệ các cơ quan của cơ thể khỏi những tác động có hại của các protein khác. Thiếu AAT là một bệnh có tính di truyền. Những cá thể bị thiếu hụt AAT có thể liên quan đến bệnh lý về phổi hoặc bệnh gan (bệnh hen, khí phế thũng; xơ gan)
I . NGUYÊN LÝ
Định lượng AAT bằng phương pháp miễn dịch đo độ đục. Bệnh phẩm được cho thêm thuốc thử 1, sau đó cho thêm thuốc thử 2 (có chứa kháng thể kháng Alpha1 antitrypsin. Lúc này xảy ra phản ứng kết hợp giữa kháng thể và kháng nguyên có trong mẫu bệnh phẩm, tạo thành phức hợp ngưng kết. Có thể xác định được độ đục từ đó xác định được nồng độ Alpha1 antitrypsin thông qua đường chuẩn.
II. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện:
01 cán bộ đại học chuyên ngành Hóa sinh và 01 kỹ thuật viên
2. Phương tiện
2.1. Phương tiện
– Các máy có thể phân tích: modular analytics e170, cobas 6000, cobas 8000, AU640, 680, 2700, 5800 và một số máy khác.
– Máy ly tâm
– Tủ lạnh để bảo quản hóa chất và bảo quản QC, mẫu bệnh phẩm
– Pipet các loại, ống sample cup
– Ống nghiệm, đầu côn xanh và vàng
– Giá đựng ống nghiệm
2.2. Hóa chất
– Thuốc thử 1 (R1): đệm Phosphate: 12.7 mmol/L, pH 7.2; NaCl: 0.13 mol/L; PEG: 40 g/L; chất bảo quản
– Thuốc thử 2 (R2) Anti-human α1-antitrypsin antibody: > 2 g/L; NaCl: 0.12mol/L; chất bảo quản
– Dung dịch chuẩn (Chất chuẩn)
– Dung dịch QC (các mức )
2.3. Các dụng cụ tiêu hao khác
– Ống nghiệm
– Găng tay
– Bông , cồn sát trùng, bơm tiêm hoặc kim lấy máu
3. Người bệnh
Cần giải thích cho người bệnh và người nhà về mục đích và ý nghĩa của xét nghiệm
Người bệnh cần phối hợp để lấy máu theo đúng yêu cầu về thời gian và số lượng
4. Phiếu xét nghiệm
Thực hiện theo y lệnh của bác sỹ lâm sàng trên phiếu xét nghiệm
III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Lấy bệnh phẩm
Có thể sử dụng Huyết thanh, hoặc Huyết tương: chất chống đông Li -heparin, EDTA và citrate
Mẫu có thể ổn định:
7 ngày / nhiệt độ 20-25°C
3 tháng / nhiệt độ – 20°C, chỉ được phép đông một lần, mẫu có vẫn tủa cần ly tâm trước khi phân tích
2. Tiến hành kỹ thuật
2.1. Chuẩn bị máy phân tích
Dựng đường chuẩn
Phân tích QC: ở cả 2 level. Khi QC đạt tiến hành phân tích mẫu
2.2. Phân tích mẫu
Mẫu bệnh phẩm nên được tiến hành phân tích trong vòng 2h Mẫu sau khi ly tâm được chuyển vào khay đựng bệnh phẩm Đánh số (hoặc ID của người bệnh); chọn test và máy sẽ tự động
IV. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
1. Giá trị tham chiếu
Trị số tham khảo: 16,6 – 36,8 µmol/L (90 – 200 mg/dL hoặc 0,9 – 2,0 g/L)
Hệ số chuyển đổi: mg/dL x 0,184 = µmol/L mg/dL x 0,01 = g/L
g/L x 100 = mg/dL
2. Tăng nồng độ alpha 1-antitrypsin máu
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Các rối loạn viêm cấp (protein phản ứng pha cấp).
– Một số bệnh ung thư.
– Các rối loạn viêm mạn tính.
– Bệnh gan mạn.
– Viêm gan.
– Nhiễm trùng, hoại tử mô.
– Có thai (nhất là ở ba tháng cuối), dùng thuốc tránh thai viên chứa estrogen.
– Tình trạng stress.
– Bệnh luput ban đỏ hệ thống.
– Nhiễm trùng tuyến giáp.
3. Giảm nồng độ alpha 1-antitrypsin máu
Các nguyên nhân chỉnh thường gặp là:
– Thiếu hụt alpha 1 antitrypsin bẩm sinh.
– Bệnh gan mạn tính.
– Khí thũng phổi (emphysema), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
– Suy dinh dưỡng.
– Hội chứng thận hư.
– Tổn thương gan nặng (Vd: viêm gan, ứ mật, xơ gan hoặc ung thư gan).
V. NHỮNG SAI SÓT VÀ XỬ TRÍ
Các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm khi:
Hemoglobin > 621 umol/L (1000 mg/dL)
Yếu tố dạng thấp > 100 IU/mL
Xử trí: khi lấy mẫu tránh gây vỡ hồng cầu. Khi chuẩn bị thấy mẫu máu bị vỡ hồng cầu nên loại và lấy mẫu máu khác.
Nguồn: Quyết định 320/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hóa sinh”, Bộ Y tế, 2014