Đo hoạt độ Phosphatase kiềm (ALP) trong máu

Đo hoạt độ Phosphatase kiềm (ALP) trong máu

bởi admin

ĐO HOẠT ĐỘ PHOSPHATASE KIỀM

(Alkaline phosphatase – ALP)

Phosphatase kiềm là một enzym gan được bài tiết theo dịch mật, thường tăng khi có tắc mật. Ngoài ra một số các nguyên nhân khác cũng có thể tăng phosphatase kiềm như bệnh xương…

I. NGUYÊN LÝ

Hoạt độ của enzym  ALP trong máu của người bệnh được xác định theo phương pháp động học enzym.

ALP

p-nitrophenyl phosphate + H2O        ========>         phosphate + p-nitrophenol

Mg2+

p-nitrophenol được tạo thành tỷ lệ thuận  với hoạt độ ALP và được đo ở bước sóng 405 nm.

II. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

01 cán bộ đại học, 01 kỹ thuật viên chuyên ngành hóa sinh

2. Phương tiện, hóa chất

– Phương tiện: Máy xét nghiệm tự động như Cobas C501,  AU 640….

– Hóa chất: Hóa chất xét nghiệm ALP, chất chuẩn ALP, chất kiểm tra chất lượng ALP.

3. Người bệnh

Người bệnh cần được giải thích về mục đích của việc lấy máu để làm xét nghiệm.

4. Phiếu xét nghiệm

Phiếu xét nghiệm cần ghi đầy đủ thông tin về tên, tuổi, giới tính, khoa phòng, chẩn đoán của người bệnh và ghi rõ chỉ định xét nghiệm

III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Lấy bệnh phẩm

– Lấy 3 ml máu tĩnh mạch vào ống không có chất chống đông hay ống có chất chống đông là Li, Na hay NH4-heparin. Máu không vỡ hồng cầu. Bệnh phẩm ổn định 7 ngày ở 2–8°C, 2 tháng ở -15°C đến -25°C .

– Sau khi lấy máu, đem ly tâm tách lấy huyết thanh hoặc huyết tương.

– Bệnh phẩm chỉ rã đông 1 lần và phải để bệnh phẩm đạt nhiệt độ phòng trước khi phân tích. Để tránh hiện tượng bay hơi, bệnh phẩm, chất chuẩn, chất kiểm tra chất lượng nên phân tích trong vòng 2 giờ.

2. Tiến hành kỹ thuật

– Máy phân tích cần chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện phân tích mẫu: Máy đã được cài đặt chương trình xét nghiệm ALP. Máy đã được chuẩn với xét nghiệm ALP. Kết quả kiểm tra chất lượng với xét nghiệm ALP đạt yêu cầu không nằm ngoài dải cho phép và không vi phạm luật kiểm tra chất lượng.

– Người thực hiện phân tích mẫu nhập dữ liệu về thông tin người bệnh và chỉ định xét nghiệm vào máy phân tích hoặc hệ thống mạng (nếu có).

– Nạp mẫu bệnh phẩm vào máy phân tích

– Ra lệnh cho máy thực hiện phân tích mẫu bệnh phẩm

– Đợi máy phân tích mẫu theo protocol của máy

– Khi có kết quả cần xem xét đánh giá kết quả sau đó in báo cáo hoặc ghi kết quả vào phiếu xét nghiệm để trả cho người bệnh.

IV. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ

1. Giá trị tham chiếu

– Nữ: 30- 100 U/L (0,5 -1,67 pkat/L).
– Nam: 45 – 115 U/L (0,75 – 1,92 pkat/L).
– Người có tuổi: Hơi cao hơn giá trị bình thường.
– Trẻ em: Từ 1 – 3 lần giá trị bình thường.
– Tuổi dậy thì: Từ 5 – 6 lần giá trị bình thường.
– Phụ nữ có thai (3 tháng cuối): Không quá 2 lần giá trị bình thường.

2. Giảm hoạt độ phosphatase kiềm

Các nguyên nhân chính thường gặp là:
– Thiểu năng giáp, chứng đần (cretinism) nguồn gốc giáp.
– Giảm phospho máu.
– Thiếu máu nặng.
– Thiếu máu ác tính Biermer ( ở 1/3 số BN).
– Bệnh thiếu vitamin c, vitamin BI2.
– Bệnh Celiac.
– Bệnh viêm thận mạn (hay bệnh Bright).
– Xơ hóa thành nang (cystic fibrosis) hay bệnh nhày nhớt (mucoviscidosis).
– Cung cấp quá nhiều vitamin D.
– Giảm hoạt độ phosphatase (hypophosphatasia) bẩm sinh (bệnh lý enzym đối với các isoenzymnguon gốc gan, xương và thận).
– Mất khả năng tạo xương bình thường.
– Loạn sản sụn (achondroplasia).
– Suy dinh dưỡng gây thiếu hụt kẽm hoặc magiê.
– Hội chứng nhiễm kiềm do uống sữa (Milk-alkali syndrome).
– Suy rau thai.
– Phụ nữ tuổi mãn kinh bị loãng xương đang được điều trị thay thế hormon estrogen.
– Thuốc điều trị (Vd: corticosteroid, trifluoperazin, thuốc điều trị rối loạn lipid máu).
– Phẫu thuật tim có chày máu tim phổi nhân tạo.

3. Tăng hoạt độ phosphatase kiềm nguồn gốc xương

Các nguyên nhân chính thường gặp là:
1. Tuổi đang phát triển của trẻ em.
2. Can hoá các xương gẫy.
3. Bệnh Paget.
4. Các di căn xương:
– Đa u tủy xương.
– u vú, phôi, tuyến tiền liệt, dạ dày, đại tràng, thận.
– Sarcoma xương (osteogenic sarcoma).
5. Nhuyễn xương (Osteomalacia).
Các nguyên nhăn ít gặp hơn là:
1. Viêm cột sống dính khớp.
2. Cường cận giáp tiên phát hay thứ phát.
3. Hội chứng Cushing.
4. Xương hoá đá.
5. Bệnh Gaucher.
6. Bệnh lý ung thư: Bệnh lơxêmi, ung thư gan.

4. Tăng hoạt độ phosphatase kiềm nguồn gốc gan mật

Các nguyên nhân chính thường gặp là
1. Tắc mật ngoài gan (đường mật. tụy)
– Sỏi.
– Ung thư biểu mô (carcinoma) đường mật.
– Viêm tụy cấp.
– Nang giả tụy sau viêm tụy cấp
– Ung thư tụy.
– u bóng Vater.
2. Tắc đường mật trong gan
– Xơ gan -mật tiên phai
– Viêm đường mật xơ hoa.
3. Bệnh lý tế bào gan
– Viêm gan.
– Xơ gan.
– Tăng BC đơn nhân nhiễm trùng.
– Nhiễm trùng do cytomegalovirus.
4. Tổn thương xâm nhiễm gan
– Di căn ung thư.
– Apxe.
– u gan.
Các nguyên nhàn ít gặp hơn là:
1. Nhiễm khuẩn huyết.
2. Bệnh sarcoidose (sarcoidosis).
3. Bệnh nhiễm sán chó (echonococcus).
4. Chảy máu đường mật.
5. Viêm khớp dạng thấp.
6. Sản giật.
7. Chế độ ăn có hàm lượng mỡ cao. cần ghi nhận là 1/3 số BN có tăng hoạt độ phosphatase kiềm nguồn gốc gan mật song không phát hiện được tổn thương gan hay đường mật.

V. NHỮNG SAI SÓT VÀ XỬ TRÍ

+ Những yếu tố gây nhiễu cho kết quả xét nghiệm

Kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng khi:

– Huyết thanh vàng: Bilirubin < 70 mg/dL hay 1197 µmol/L.

– Tán huyết: Hemoglobin < 500 mg/dL.

– Huyết thanh đục: Triglyceride <2000 mg/dL .

Khắc phục: Có thể hòa loãng bệnh phẩm và thực hiện lại xét nghiệm sau đó nhân kết quả với độ hòa loãng (Trường hợp có hòa loãng tự động trên máy thì kết quả không cần nhân với độ hòa loãng do máy đã tự tính toán kết quả).

Nguồn: Quyết định 320/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hóa sinh”, Bộ Y tế, 2014

Related Articles

Để lại một bình luận