Xét nghiệm đo hoạt độ ALT (GPT)

Xét nghiệm đo hoạt độ ALT (GPT)

bởi admin

ĐO HOẠT ĐỘ ALT

(Alanin transaminase)

ALT còn được gọi là GPT (Glutamat pyruvat transaminase)

Đo hoạt độ ALT thường được làm cùng với  AST để xác định bệnh lý về gan, theo dõi tiến triển của bệnh. Ngoài ra ALT cũng được phối hợp với một số xét nghiệm khác như GGT để theo dõi người bệnh nghiện rượu.

I. NGUYÊN LÝ

Hoạt độ của enzym ALT trong máu của người bệnh được xác định theo phương pháp động học enzyme dựa trên phản ứng:

ALT

L.Alanin + α-cetoglutarat         ⇔                    L.Glutamat  + Pyruvat

 

     LDH

Pyruvat + NADH +H+                               L- lactate+ NAD+

Hoạt độ  ALP được đo bằng sự giảm nồng độ NADH ở bước sóng 340 nm theo thời gian.

II. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

02 cán bộ  là bác sĩ và kỹ thuật viên được đào tạo về chuyên ngành hóa sinh.

2. Phương tiện, hóa chất

2.1. Phương tiện

– Hệ thống máy  phân tích  hóa sinh của hãng Roche (MODULAR, COBAS 6000, COBAS 8000), hãng Olympus (AU 680, AU 2700, AU5800).

– Máy ly tâm

– Các ống xét nghiệm được chống đông bằng Li-Heparin hoặc EDTA  hoặc không chống đông.

– Pipét tự động các loại 1000µl, 500 µl, 100µl, 50 µl và 10 µl.

– Đầu côn tương ứng các loại pipet tự động.

– Bông, cồn, kim lấy máu, giá đựng bệnh phẩm.

– Bàn lấy máu.

– Găng tay

2.2. Hoá chất

– Hoá chất làm xét nghiệm ALT của hãng ROCHE, OLYMPUS.

– Huyết thanh kiểm tra của BIO-RAD.

2.3. Bệnh phẩm

– Lấy 3 ml máu tĩnh mạch cho vào ống chống đông bằng Li-Heparin, EDTA, hoặc ống không chống đông

– Ly tâm để tách huyết tương hoặc huyết thanh

– Mẫu bệnh phẩm cần được phân tích càng sớm càng tốt. Có thể bảo quản  mẫu huyết thanh  hoặc huyết tương 7 ngày ở nhiệt độ 2-8oC.

3. Người bệnh:

Đã được tư vấn xét nghiệm, chuẩn bị tư tưởng khi khám bệnh, nhịn ăn sáng để lấy máu.

4. Phiếu xét nghiệm:

Điền đầy đủ thông tin về người bệnh theo quy định. Phiếu xét nghiệm có chỉ định xét nghiệm ALT trong máu.

III. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

–  Cài chương trình trên máy theo protocol của máy: chỉ làm khi bắt đầu triển khai xét nghiệm trên máy và khi có thay đổi  trong chương trình cài đặt.

–  Dựng đường chuẩn: được làm khi bắt đầu triển khai xét nghiệm trên máy, khi thay đổi một trong các yếu tố: nồng độ chuẩn mới, thuốc thử mới, thay bóng đèn hay thay cóng phản ứng, và khi thấy kết quả kiểm tra chất lượng không đạt.

–  Mẫu huyết thanh kiểm tra chất lượng, mẫu bệnh phẩm đo hoạt độ ALP được phân tích trên máy phân tích sinh hoá tự động MODULAR, COBAS 6000, COBAS 8000 (hãng Roche), hoặc các máy AU 690, AU 2700, AU 5800 (hãng Minh Tâm) theo protocol của máy.

– Mẫu bệnh phẩm chỉ được chạy trên máy phân tích khi kết quả kiểm tra chất lượng đạt được độ chính xác và xác thực trong giới hạn cho phép và không vi phạm các luật của quy trình kiểm tra chất lượng.

– Kết quả sau khi được đánh giá sẽ được  điền vào phiếu xét nghiệm, điền vào sổ lưu trữ hoặc được chuyển vào phần mềm quản lý dữ liệu để in ra bằng máy.

IV.  NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ

1. Trị số bình thường

– Nam: < 41 U/L.

– Nữ: <31 U/L.

2. ALT máu tăng trong

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

2.1. Bệnh lý gan:

– AST/ALT < 1

+ Viêm gan do virus (viêm gan A, viêm gan B, viêm gan không phải A – không phải B, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, viêm gan do cytomegalovirus).

+ Viêm gan do thuốc (riíampicin, INH, salicylat, heparin).

+ Viêm gan nhiễm độc (CC14, amanit phalloid).

+ Tắc mật do các nguyên nhân không phải là ung thư.

+ Hoại từ gan.

– AST/ALT > 1

+ Xơ gan (AST/ALT > 1).

+ Viêm gan do rượu (alcohol – induced hepatitis).

+ Xâm nhiễm gan (Vd: do di căn ung thư, nhiễm sarcoid, lao, u lympho, luput ban đỏ).

2.2. Nhồi máu cơ tim (AST/ALT >1).

2.3. Suy giáp với phù niêm.

2.4. Suy tim mất bù (gan xung huyết).

2.5. Sốc (thiếu máu cục bộ gan).

2.6. Các nguyên nhân khác:

– Nhiễm độc thai nghén hay tiền sản giật (Hội chứng HELLP).

– Viêm tụy.

– Nhồi máu phổi.

– Hội chứng Reye.

– Chấn thương.

– Thiếu hụt camitin tiên phát.

V.  NHỮNG SAI SÓT VÀ SỬ TRÍ

– Khi thấy kết quả ALT bất thường (cao hơn hoặc thấp hơn giá trị bình thường) cần kiểm tra lại kết quả bằng cách:

+ Nhấc ống máu để kiểm tra xem có đông dây hoặc bất thường về màu sắc huyết tương hay không?

+ Đối chiếu kết quả với lời chẩn đoán

+ Kiểm tra lại thông tin ống máu, đối chiếu với thông tin trên phiếu yêu cầu xét nghiệm: họ tên người bệnh, tuổi, giường, khoa…

Nếu thấy không có gì bất thường, nên chạy lại kiểm tra lại lần nữa trên máy đó cùng phối hợp với mẫu huyết thanh kiểm tra hoặc chuyển sang máy khác.

– Các yếu tố góp phần làm thay đổi kết quả xét nghiệm:

+ Mẫu máu vỡ hồng cầu có thể thay đổi kết quả.

+ Các thuốc có thể làm tăng hoạt độ ALT như: thuốc ức chế men chuyển angiotensin, acetaminophen, thuốc chống co giật, một số loại kháng sinh, thuốc điều trị tâm thần, benzodiazepin, estrogen, sulfat sắt, heparin, interferon, thuốc làm giảm mỡ máu, thuốc chống viêm không phải steroid, salicylat, thuốc lợi tiểu loại thiazid.

Tham khảo:

  • Quyết định 320/QĐ-BYT Quyết định Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hóa sinh”, Bộ Y tế, 2014.
  • Nguyễn Đạt Anh, Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, NXB Y học, 2013

Related Articles

Để lại một bình luận